Phẫu thuật thu hẹp dạ dày làm giảm nguy cơ bệnh tiểu đường

(Momega)-Phẫu thuật dạ dày không chỉ giúp giảm cân, chống béo phì mà còn làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Nghiên cứu mới của Đại học Minnesota (Hoa Kỳ) cho thấy rằng đường huyết, cholesterol và huyết áp ở những người bị béo phì do mắc bệnh tiểu đường loại 2 đều giảm sau khi họ phẫu thuật dạ dày.

Béo phì gây đau tim, đột quỵ, tiểu đường loại 2, một số bệnh ung thư (ung thư vú, ruột…) và thậm chí là nguyên nhân gây ra những cái chết đáng lý có thể ngăn chặn được. Theo báo cáo của Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ, có khoảng 25.8% người Mỹ mắc bệnh tiểu đường (2010) và đại đa số là mắc bệnh tiểu đường loại 2. Bệnh tiểu đường loại 2 phát sinh khi tụy không sản xuất đủ insulin hoặc các tế bào trong cơ thể không tiếp nhận insulin, từ đó không đủ insulin để tiêu thụ đường trong máu làm lượng đường trong máu ngày càng lên cao.

Phương pháp điều trị tiểu đường loại 2 tốt nhất là giảm cân, nhưng phải chú ý đến nồng độ đường, huyết áp và cholesterol. Các nhà khoa học đã chia 120 bệnh nhân vừa bị béo phì nghiêm trọng (có chỉ số BMI từ 30 – 39.9 kg/m2) vừa mắc bệnh tiểu đường loại 2 được ít nhất 6 tháng thành 2 nhóm để tiến hành theo dõi trong một năm.

Nhóm đầu tiên đã được phẫu thuật thu hẹp dạ dày bằng cách thắt dạ dày (phẫu thuật Roux-en-Y) và sử dụng ít hơn 3 loại thuốc để kiểm soát các yếu tố nguy cơ tiểu đường so với nhóm còn lại. Nhóm thứ hai được hướng dẫn cách thay đổi lối sống và sử dụng các loại thuốc đặc trị để giảm các yếu tố nguy cơ gây bệnh tiểu đường. Kết quả cho thấy rằng 49% bệnh nhân ở nhóm đầu tiên và 19% ở nhóm thứ 2 đã kiểm soát được bệnh tiểu đường (chỉ số đường huyết HbA1c dưới 7%, nồng độ cholesterol xấu HDL dưới 100 mg/dL và huyết áp tâm thu dưới 130 mmHg – theo chuẩn của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ). Thêm vào đó, 3 chỉ số kể trên ở nhóm đầu tiên cũng khả quan hơn nhóm 2. Đồng thời, những bệnh nhân ở nhóm đầu tiên đã giảm được 26.1% trọng lượng cơ thể sau 1 năm và ở nhóm 2 là 7.9%.

Tuy nhiên, phẫu thuật thu hẹp dạ dày cũng gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Các bệnh nhân được phẫu thuật gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng do thiếu dinh dưỡng. Chính vì vậy, bác sĩ Osama Hamdy ở Trung tâm đái tháo đường Joslin (Boston) nói rằng ông luôn phải rất thận trọng khi chỉ ra lợi ích tuyệt đối của việc phẫu thuật giảm béo cho các bệnh nhân. Ngoài ra, còn những tác dụng phụ sau phẫu thuật như chảy máu, nhiễm trùng, rò rỉ trong đường ruột, tắc ruột, viêm loét, hội chứng dạ dày rỗng nhanh chóng (các thành phần chưa được tiêu hóa di chuyển quá nhanh từ dạ dày xuống ruột non).

Các nhà khoa học tại Đại học California (Los Angeles) đã xem lại 32 nghiên cứu so sánh giữa những bệnh nhân mắc cả 2 bệnh tiểu đường và béo phì ở mức vừa phải (chỉ số BMI từ 30 – 35 kg/m2) đã trải qua phẫu thuật giảm béo và những bệnh nhân cũng mắc bệnh như trên nhưng không phẫu thuật mà điều trị bằng thuốc và chế độ ăn kiêng riêng. Kết quả là phương pháp phẫu thuật giảm béo đã được chứng minh có hiệu quả nhanh hơn để kiểm soát đường huyết và việc giảm cân trong thời gian ngắn, nhưng những nghiên cứu này nhỏ và chưa chỉ rõ được những ảnh hưởng lâu dài.

Bác sĩ phẫu thuật Melinda Maggard-Gibbons tại trường Đại học California (Los Angeles) cũng cho biết: “Phẫu thuật giảm béo cho những người béo phì mắc bệnh tiểu đường cho thấy kết quả đầy hứa hẹn trong việc kiểm soát đường huyết. Tuy nhiên, chúng ta cần thêm thông tin về những lợi ích và biến chứng lâu dài trước khi đưa ra quyết định phẫu thuật giảm béo hay điều trị giảm béo không phẫu thuật đối với các bệnh nhân.”

Ngoài ra, phẫu thuật giảm béo mang lại kết quả đáng kể trong việc giảm cân và kiểm soát được bệnh tiểu đường nhưng bù vào đó là chi phí phẫu thuật cao và những rủi ro lớn do các biến chứng phẫu thuật.

Phương Thảo

(Theo CBS News)

< Trở lại