Lần đầu tiên các nhà nghiên cứu ở Rensselaer Polytechnic Institute (Mỹ) biết được cách thức duy trì độ chắc khỏe của xương của protein osteocalcin. Phát hiện có thể dẫn đến các hướng mới và phương pháp chữa trị mới trong việc ngăn ngừa loãng xương và giảm nguy cơ gãy xương.
Mục tiêu nghiên cứu nhằm tìm hiểu vì sao những lỗ hổng rất nhỏ trong một cấu trúc xương khỏe mạnh có đường kính khoảng 500 nguyên tử lại có thể dẫn đến gãy xương. Các nhà khoa học nhận thấy trong trường hợp trượt chân, ngã, hay có lực tác động lên xương sẽ làm biến dạng một cặp protein là osteopontin và osteocalcin và kết quả là hình thành nên các lỗ rất nhỏ bên trong cấu trúc khoáng của xương. Các lỗ nhỏ thực hiện chức năng như cơ chế bảo vệ tự nhiên và giúp ngăn chặn các hư tổn lớn hơn đối với xương xung quanh khu vực tổn thương. Tuy nhiên, nếu lực tác động quá mạnh hoặc nếu xương thiếu osteopontin, osteocalcin hoặc kết hợp cả hai nguyên nhân này, xương sẽ nứt và gãy.
Protein osteocalcin đã được sản sinh và có mặt trong xương động vật từ trước khi có loài người. Mặc dù vậy, cho đến nay osteocalcin vẫn chưa được hiểu rõ, Osteocalcin phải ở hình thái hoạt động (được carboxylate hóa) để được hấp thụ vào xương.
Gần đây, các nhà khoa học phát hiện những bất thường trong việc tạo ra osteocalcin đã có mối liên quan với bệnh tiểu đường type 2 cũng như các vấn đề về sức khỏe. Theo các nhà nghiên cứu, đây là lần đầu tiên biết được cơ chế của việc gãy xương ở mức độ cấu trúc siêu nhỏ. Đây cũng là lần đầu tiên, vai trò của osteocalcin trong việc thể hiện khả năng chống lại sự gãy xương được chứng minh.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy mối liên hệ giữa osteocalcin với ngăn ngừa loãng xương và calci. Với nghiên cứu này, chúng ta có thể thấy ngoài canxi, vitamin K cũng đóng vai trò rất quan trọng. Các loại rau màu xanh lá đậm rất giàu vitamin K. Tuy nhiên, những nghiên cứu về vai trò của vitamin K và loãng xương gần đây cho thấy vitamin K2 có trong các sản phẩm lên men từ sữa, đậu nành có hiệu quả tốt hơn trong phòng chống loãng xương và giảm nguy cơ gãy xương.
(Theo sciencedaily)