Mối quan hệ giữa suy tim và loãng xương

(CalciK2)-Các nhà nghiên cứu cho biết rằng thông qua phim X-quang của các bệnh nhân suy tim có thể giúp phát hiện nguy cơ nứt gãy xương ở những bệnh nhân này. Do dễ dàng phát hiện bệnh loãng xương bằng việc chụp X-quang ngực, nên có thể tiến hành điều trị để ngăn chặn việc nứt gãy.

Theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Suy tim của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra 623 bệnh nhân suy tim và phát hiện ra 12% số bệnh nhân bị gãy xương do bị đè ép cột sống từ vừa đến nặng, 55% bệnh nhân có nhiều chỗ bị nứt xương.

Hiện tượng nứt gãy xương như vậy có thể là dấu hiệu của bệnh loãng xương, một bệnh làm xương trở trên xốp và mỏng manh hơn. Những người bị loãng xương có nguy cơ bị nứt gãy xương ở hông, cột sống và cổ tay cao hơn so với bình thường.

Nứt gãy cột sống và bệnh loãng xương

Các bệnh nhân trong nghiên cứu trên bình quân ở tuổi 69 (32% người trên 75 tuổi, 31% là phụ nữ và 38% là những bệnh nhân mắc thêm chứng loạn nhịp tim).

Các nhà nghiên cứu nói rằng chỉ 15% các bệnh nhân bị suy tim đi kèm chứng nứt cột sống được điều trị loãng xương, mặc dù nứt gãy xương là triệu chứng rõ ràng và phổ biến nhất của bệnh loãng xương. Các nhà nghiên cứu cho biết thêm tỉ lệ các bệnh nhân bị suy tim kèm với chứng lạon nhịp tim bị nứt gãy cột sống cao gấp 2 lần so với người có nhịp tim bình thường.

Bệnh loãng xương ở bệnh nhân bị suy tim hiếm khi được phát hiện và điều trị tận gốc. Tuy nhiên, có thể dựa vào phim X-quang ngực để phát hiện ra chỗ nứt gãy. Các bác sĩ trong khi kiểm tra phim X-quang của những bệnh nhân suy tim để xem xét các vấn đề về tim và phổi, cũng nên chú ý hơn về xương để có thể phát hiện và điều trị loãng xương sớm. Nếu phát hiện có nứt gãy xương, bệnh nhân cần được điều trị bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống, vận động và uống thuốc trị loãng xương nếu cần. Điều trị ngay như vậy có thể làm giảm được khoảng 50% nguy cơ gãy xương về sau.

 Vai trò của các hoocmon

Nếu nứt gãy xương hông là biến chứng có hại nhất của bệnh loãng xương, thì nứt gãy xương do đè ép cột sống là biến chứng gây hại phổ biến nhất. Nứt gãy xương cột sống có thể gây ra những cơn đau mãn tính và gây tàn tật. Tuy nhiên, 60- 70% trường hợp nứt gãy xương cột sống lại không có triệu chứng ban đầu. Do đó, rất khó để phát hiện ra bệnh.

Các nhà nghiên cứu phỏng đoán rằng nồng độ hoocmon aldosterone (một loại hoocmon trong tuyến thượng thận giúp điều hòa huyết áp, cân bằng dịch và chất điện ly) cao có thể lý giải cho mối quan hệ giữa suy tim mãn tính, loãng xương và rung tâm nhĩ. Ngoài ra, có thể điều trị loãng xương bằng thuốc lợi tiểu như spironolactone, một loại thuốc được cũng được dùng để điều trị cao huyết áp, giúp thu hẹp phạm vi ảnh hưởng của các chỗ nứt gãy ở những bệnh nhân loãng xương. Tuy nhiên, cần phải tiến hành thêm nhiều nghiên cứu để xác nhận tính chính xác hoặc bác bỏ các giả thiết trên.

Phương Thảo

(Theo Webmd)

< Trở lại