Kích thước xương dự báo nguy cơ loãng xương

Thông thường, người ta đo mật độ khoáng chất trong xương để dự đoán khả năng loãng xương ở phụ nữ tuổi mãn kinh. Tuy nhiên, một nghiên cứu của Thụy Điển mới đây cho thấy, nguy cơ này còn thể hiện ở sự dày lên của xương.

Chứng loãng xương là hiện tượng mất mô xương, làm xương bị giòn và có thể gãy bất kỳ lúc nào. Bệnh
loãng xương toàn diện thường gặp ở người già và phụ nữ mãn kinh. Chỉ tính riêng ở Mỹ đã có khoảng 10 triệu người bị loãng xương và thêm gần 34 triệu người khác đang đứng trước nguy cơ mắc bệnh. Phương pháp chẩn đoán chủ yếu hiện nay vẫn dựa vào việc đo mật độ khoáng chất trong xương.

Mới đây, tiến sĩ Henrik G. Ahlborg cùng cộng sự thuộc Bệnh viện Đại học Malmo, Thuỵ Điển, đã phát hiện thấy sự sụt giảm về mật độ khoáng chất sẽ tăng kích thước xương. Nguyên nhân là khi mật độ xương giảm, cơ thể sẽ kích hoạt một cơ chế đền bù, theo đó, những lớp tế bào xương mới sẽ được huy động đến những vùng xương yếu và “đắp” lên bề mặt ngoài của xương giúp tăng cường độ rắn chắc. Điều này chứng tỏ, mật độ khoáng chất của xương càng giảm thì độ dày ở vùng xương quan trọng càng lớn.

Ahlborg đã tiến hành kiểm tra mật độ khoáng chất và sự thay đổi về kích thước của xương cánh tay ở hơn 100 phụ nữ. Nghiên cứu bắt đầu từ khi số người này mới mãn kinh và kéo dài 15 năm. Nhóm nghiên cứu nhận thấy, mật độ khoáng chất trong xương của phụ nữ mãn kinh giảm 1,9% mỗi năm, và cùng lúc đó, đường kính của 2 vùng quan trọng trên xương cánh tay cũng tăng lên đáng kể.

Nghiên cứu trên đã gợi lên một phương pháp điều trị bệnh loãng xương mới, thông qua việc kích thích hoạt động của các tế bào làm nhiệm vụ tăng cường độ cứng của xương khi mật độ khoáng chất giảm.

(Theo vnexpress) 

< Trở lại