Không ăn mặn khi bị loãng xương

Người già dễ mắc bệnh loãng xương. Với người bệnh loãng xương, cần có chế độ ăn uống và và sinh hoạt phù hợp để có bộ xương vững chắc, hạn chế tình trạng bệnh trầm trọng thêm.

Bệnh nhân bị loãng xương cần có một chế độ dinh dưỡng giàu chất canxi. Ngoài ra, cần lưu ý đảm bảo ít nhất ăn 3 bữa/ngày, đặc biệt là bữa ăn sáng. Không nên bỏ bữa, không nên ăn vặt giữa 3 bữa; Uống ít nhất 1,5 lít nước/ngày, tốt hơn cả là  loại nước có nồng độ canxi trên 200mg/l (nước khoáng giàu canxi).

Nếu sử dụng được sữa thì nên dùng hằng ngày hoặc có thể dùng chế phẩm của sữa như sữa chua để có đủ 2.000mg canxi mỗi ngày. 

Người bị loãng xương không được hút thuốc lá, tránh uống nhiều rượu và cà phê, không ăn quá mặn (việc ăn mặn có thể dẫn tới sự thất thoát canxi qua nước tiểu), hạn chế uống nước có ga (nước có ga chứa nhiều chất phốt phát ngăn trở sự hấp thu canxi của cơ thể). Ngoài ra, cần ăn vừa đủ chất đạm (thịt, cá, trứng...). Chỉ là ăn vừa đủ chứ không nên lạm dụng, không cần ăn nhiều bởi có thể lại gây béo phì, mỡ trong máu...

Vitamin D có vai trò xúc tác giúp tăng sự hấp thu canxi, phốt pho trong ruột và đẩy mạnh sự lắng đọng các khoáng chất này trong xương. Nó chủ yếu được tổng hợp qua da dưới tác động của các tia cực tím trong ánh nắng mặt trời. Vì vậy, thiếu ánh sáng mặt trời sẽ dẫn tới một số bệnh lý như còi xương, nhuyễn xương, loãng xương.  Thực tế, không có nhiều loại thực phẩm trong thành phần có chứa nhiều vitamin D.

Do vậy, không nên coi thực phẩm là nguồn cung cấp sinh tố D chủ yếu cho cơ thể. Để cung cấp sinh tố D cho cơ thể, có thể tắm nắng khoảng 1 giờ mỗi ngày (để đầu trần và cánh tay hở). Không nên tắm nắng vào lúc cao điểm của nắng (thời điểm từ 10 - 14 giờ). Về mùa đông, ở đô thị lượng vitamin D trong ánh nắng rất thấp thì có  thể bổ sung qua dạng dược phẩm. Tuy nhiên, việc sử dụng dược phẩm có chứa vitamin D cần có sự tư vấn của bác sĩ.

(Theo dinhduong)

< Trở lại