(CalciK2)-Các nhà nghiên cứu tại học viện Sahlgrenska đã xác định những đoạn gen được cho là gây ra chứng loãng xương. Nghiên cứu của các nhà khoa học hàng đầu Thụy Điển đăng trên tạp chí Nature Genetics cho thấy những phụ nữ mang nhiều gen liên quan đến chứng loãng xương sẽ có nguy cơ bị gãy xương cao hơn 50% so với những phụ nữ có kiểu gen bình thường.
Chứng loãng xương là một bệnh phổ biến và nguy hiểm liên quan đến tuổi tác, khoảng 50% những người trên 80 tuổi bị gãy cổ xương đùi tử vong trong vòng một năm sau đó. Vì thế, hậu quả của chứng loãng xương rất được quan tâm nhưng nguyên nhân thì lại rất ít được biết.
Trong một nghiên cứu mang tính đột phá được thực hiện ở 80.000 người, các nhà khoa học đã xác định được 56 đoạn gen liên quan đến kiểm soát mật độ xương. Theo nghiên cứu này, 14 đoạn gen biến thể của những gen trên làm tăng nguy cơ gãy xương.
Claes Ohlsson, Giáo sư tại học viện Sahlgrenska cho biết: “Đây là lần đầu tiên khoa học phát hiện ra những gen biến thể có liên quan trực tiếp đến nguy cơ gãy xương.”
Kết quả nghiên cứu đã dẫn đến những phát hiện mới về xương, các nhà nghiên cứu đã xác định một vài hệ thống trao đổi tín hiệu phân tử liên quan đến mật độ xương có thể trở thành cơ sở cho phương pháp chữa trị mới.
Ulrika Pettersson, Phó Giáo sư khoa Dược lý học và Khoa học thần kinh, đại học Umea, đồng tác giả của nghiên cứu cho rằng: “Ngoài những protein và hệ thống trao đổi tín hiệu phân tử đã biết, chúng ta hiện đang tiến tới một lĩnh vực sinh học hoàn toàn mới trong nghiên cứu về xương”.
Liu Ba
(Theo Sciencedaily)