(Womega)-Bạn cần thay đổi chế độ ăn uống khi bị tiểu đường nhưng những thay đổi cần thực hiện không nhiều như bạn nghĩ.
1. Ăn quá nhiều đường gây bệnh tiểu đường
Sai. Bệnh tiểu đường chỉ phát sinh khi:
+ Tiểu đường type 1: tuyến tụy không thể sản xuất insulin, do đó đường trong máu không thể chuyển hóa thành năng lượng. Bệnh thường xảy ra ở người trẻ hoặc trẻ em, một phần do hệ miễn dịch hoạt động sai. Bệnh nhân cần được cung cấp insulin để giúp đường trong máu chuyển hóa vào tế bào.
+ Tiểu đường type 2: tuyến tụy không sản xuất đủ insulin, hay insulin làm việc không hiệu quả, hoặc do cả hai. Tiểu đường type 2 có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, nhất là những người bị thừa cân.
+ Tiểu đường khi thai nghén: Sự thay đổi của hoocmon trong suốt thời kỳ mang thai làm insulin hoạt động không hiệu quả, từ đó gây bệnh tiều đường lúc thai nghén. Bệnh thường tự biến mất sau khi sinh em bé.
2. Có quá nhiều nguyên tắc trong chế độ ăn uống dành cho người tiểu đường
Bạn cần thay đổi chế độ ăn uống khi bị tiểu đường nhưng những thay đổi cần thực hiện không nhiều như bạn nghĩ. Bạn chỉ cần lựa chọn những thức ăn nào sẽ cùng “làm việc” khi cơ thể bạn hoạt động và thuốc nào giúp giữ hàm lượng đường trong máu càng gần mức bình thường càng tốt.
3. Các chất đường – tinh bột – xơ không tốt cho người bệnh tiểu đường
Sự thật thì các chất đường – tinh bột – xơ (carb) lại tốt cho người bệnh tiểu đường. Chúng là nền tảng của chế độ dinh dưỡng khỏe mạnh.
Thực phẩm chứa đường – tinh bột – xơ gây tác động lớn đến hàm lượng đường trong máu, nhưng chúng lại chứa nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể như vitamin, khoáng chất. Do đó, người bị tiểu đường phải lựa chọn những thực phẩm chứa nhiều dưỡng chất nhất nhưng ít carb nhất như bánh mì làm bằng ngũ cốc nguyên cám, bánh nướng và các loại trái cây, rau củ giàu chất xơ và kiểm soát được hàm lượng carb hấp thu hàng ngày.
4. Đối với bệnh nhân tiểu đường, protein tốt hơn các chất đường – tinh bột – xơ (carb)
Carb tác động đến hàm lượng đường trong máu quá nhanh, nên nếu bạn bị tiểu đường, bạn thường cố gắng ăn nhiều protein hơn để thay thế cho carb. Nhưng quá nhiều protein có thể làm phát sinh vài vấn đề đối với bệnh nhân tiểu đường. Nhất là các loại thức ăn chứa hàm lượng protein cao (như thịt) lại chứa cả chất béo bão hòa làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Do đó, hàm lượng protein nên chiếm khoảng 15 – 20% tổng lượng calo cơ thể hấp thu mỗi ngày đối với người bị tiểu đường.
5. Có thể điều chỉnh thuốc tiểu đường để khống chế bất kỳ thực phẩm nào
Nếu bạn sử dụng những loại thuốc điều trị tiểu đường khác, đừng cố điều chỉnh lượng thuốc uống để phù hợp với hàm lượng đường – tinh bột – xơ mà bạn hấp thụ nếu không có sự chỉ định của bác sĩ. Hầu hết các loại thuốc điều trị tiểu đường chỉ phát huy tác dụng tốt nhất khi bạn tuyệt đối tuân theo sự chỉ định của bác sĩ.
6. Cần từ bỏ những món ăn yêu thích
Bạn nên cố gắng:
+ Thay đổi cách chế biến những món yêu thích.
+ Thay đổi những món ăn kèm với món bạn thích.
+ Giảm bớt phần ăn khi ăn những món yêu thích.
7. Phải bỏ bữa tráng miệng nếu bị tiểu đường
Không cần như thế, bạn chỉ cần chú ý:
+ Ăn các món tráng miệng chứa chất làm ngọt nhân tạo (dùng để thay thế vị ngọt của đường)*
+ Giảm bớt lượng bữa tráng miệng. Ví dụ: thay vì ăn 2 muỗng kem thì chỉ ăn 1 muỗng, hoặc chia bớt 1 phần cho bạn bè.
+ Dùng các loại ngũ cốc nguyên cám, trái cây và rau củ tươi, dầu thực vật... khi chế biến món tráng miệng. Đồng thời, bạn có thể bỏ ít đường lại so với hướng dẫn trong sách dạy nấu ăn.
+ Đổi khẩu vị sang các món tráng miệng khác như trái cây, bánh quy được làm từ lúa mì nguyên cám hoặc bột yến mạch và nho khô, sữa chua thay vì cứ kem, bánh nướng, bánh hấp.
8. Chất làm ngọt nhân tạo gây nguy hiểm cho bệnh nhân tiểu đường
Chất làm ngọt nhân tạo có độ ngọt nhiều hơn so với lượng đường tương đương, vì vậy bạn có thể bỏ ít chất làm ngọt nhân tạo hơn khi dùng chúng thay cho đường, từ đó giúp bạn hấp thu ít calo hơn so với khi dùng đường.
Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ cho phép sử dụng các loại chất ngọt nhân tạo như đường saccharin, aspartame, sunett, splenda... trong chế độ ăn uống dành cho người tiểu đường.
Ngoài ra, hiện nay trên thị trường có nhiều loại chất làm ngọt từ tự nhiên (cỏ ngọt) có thể mang lại hiệu quả tốt hơn.
9. Cần chuẩn bị bữa ăn riêng dành cho người bị tiểu đường
Không cần phải như thế. Những thức ăn tốt cho sức khỏe người bị tiểu đường cũng tốt cho sức khỏe của những thành viên khác trong gia đình. Do đó, không cần phải chuẩn bị một phần ăn riêng dành cho người bị tiểu đường.
10. Thực phẩm ăn kiêng là lựa chọn tốt nhất cho người bị tiểu đường
Đâu phải một loại thực phẩm nào đó được dán nhãn “dành cho người ăn kiêng” mà coi nó là lựa chọn tốt hơn cho người tiểu đường. Thực ra, những thực phẩm dành cho người ăn kiêng khá đắt nhưng cũng chỉ tốt cho sức khỏe tương đương với những thực phẩm hàng ngày mà bạn mua ở chợ hay siêu thị hay những thực phẩm bạn tự làm lấy. Khi chọn bất kỳ loại thực phẩm nào, bạn nên đọc kỹ thành phần, cũng như hàm lượng calo ghi trên nhãn để có lựa chọn tốt nhất. Nếu có nghi ngờ, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.
Phương Thảo
(Theo Diabetes)